UBND HUYỆN TỨ KỲ
TRƯỜNG TH NGUYÊN GIÁP
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
|
Nguyên Giáp, ngày 15 tháng 4 năm 2024
|
BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO ĐỌC SÁCH
NGÀY SÁCH VIỆT NAM 21/4/2024: HÃY ĐỌC SÁCH MỖI NGÀY
1. Sự ra đời và ý nghĩa của ngày sách Việt nam.
1.1 Ngày sách trên thế giới.
Lịch sử của “Ngày hội đọc sách” được ra đời từ hơn 80 năm trước ở Tây Ban Nha, vào ngày lễ Thánh Giooc-giơ 23/4, người ta yêu mến tặng nhau những cuốn sách kèm theo những đóa hoa hồng và bất cứ ai mua sách sẽ được tặng kèm theo một bông hồng đẹp. Từ đó hằng năm, truyền thống tốt đẹp này được người Tây Ban Nha phát triển thành “Ngày hội đọc sách” trên các đường phố. Sau đó hoạt động văn hóa có ý nghĩa này lan rộng ra nhiều nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á, Châu Phi dưới nhiều hình thức như: Tuần lễ đọc sách, Ngày Sách, Tuần lễ thư viện. Từ năm 1995, tổ chức UNESCO đã chính thức chọn ngày 23 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Bản quyền thế giới (có một sự trùng lặp đáng nhớ, bởi đó cũng là ngày mất của hai đại văn hào nổi tiếng tiếng giới: W. Shakespeare và M. Cervantes).
Trên thế giới lễ hội sách, ngày hội đọc sách đã và đang mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả hết sức to lớn. Hằng năm, hoạt động này đã thu hút sự chú ý, quan tâm của hàng triệu người đọc, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở mỗi nước; bất kể già, trẻ, gái, trai; bất kể mọi thành phần giàu, nghèo trong xã hội. Đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay thì việc tổ chức các Ngày sách và Văn hóa đọc càng góp phần khẳng định: Sách và văn hoá đọc mãi mãi trường tồn.
1.2 Ngày sách Việt Nam.
Ở Việt Nam, hưởng ứng Ngày sách và bản quyền thế giới (23/4) trở thành ngày hội sách và văn hóa đọc ở nước ta. Phong trào hưởng ứng đã đi vào chiều sâu, có sức lan toả rộng rãi từ Trung ương tới các địa phương, 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam. Quyết định ghi rõ:
Điều 1. Lấy ngày 21 tháng 4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam.
Điều 2. Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm:
1. Khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
2. Tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách.
3. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Ngày sách Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội. Góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc.
Việc lấy ngày 21/4 là ngày Sách Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả lớn, một Danh nhân văn hóa, các tác phẩm của Người có giá trị không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận. Việc chọn ngày Sách Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người sẽ có ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích mọi người dân thế giới khám phá niềm yêu thích đọc sách. Việc tổ chức ngày Sách Việt Nam vào dịp này thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại, sẽ hấp dẫn và lôi cuốn độc giả.
2. Sách và vai trò của sách trong cuộc sống.
Sách là nguồn kiến thức bất tận của nhân loại và có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống con người. Chính vì vậy hiểu được tầm quan trọng của sách nên mọi người đã gìn giữ và nâng niu những giá trị đó.
Xã hội ngày càng phát triển, sự xuất hiện của mạng xã hội, công nghệ thông tin làm cho con người ngày càng thay đổi. Tuy nhiên tầm quan trọng của sách vẫn không hề giảm sút và đem lại nhiều giá trị cho con người. Mỗi quyển sách chứa đựng một nội dung, đề cập đến những giá trị nhân văn khác nhau và trở thành tiền đề gắn kết con người với kiến thức của nhân loại. Hiểu hết được tầm quan trọng của sách nên hiện nay sách vẫn được trân trọng.
2.1 Lịch sử của sách
Sách là một sản phẩm của nhân loại được lưu giữ cho muôn đời. Những cuốn sách đầu tiên các nhà sưu tầm tìm được là sách ghi chép trên đá, trên những thanh tre nứa, trên da động vật, trên các bản bằng đồng,… Khi nhân loại sáng chế ra giấy viết, hình thành sách như bây giờ. Sách là một loạt các tờ giấy có chữ hoặc hình ảnh được viết tay hoặc in ấn, được buộc hoặc dán với nhau về một phía. Một tờ trong cuốn sách được gọi là một trang sách. Sách ở dạng điện tử được gọi là sách điện tử hoặc e-book.
2.2 Vai trò của sách trong cuộc sống
2.2.1 Là nguồn tri thức bất tận của nhân loại
Từ nhiều đời nay, ông cha ta đã lưu giữ lại những kiến thức qua sách vở và để lại đời sau cho con cháu. Sách chứa đựng những thông tin, giá trị vật chất và tinh thần của nhân loại, chứa đựng những tình cảm vào trong những vấn đề của cuộc sống. Mỗi cuốn sách lại là những chủ đề, lĩnh vực khác nhau nhưng đều với mục đích hướng tới cho bạn đọc những tri thức mới, giá trị nhân loại.
Sách chứa đựng nguồn kiến thức khổng lồ và giúp con người giao lưu với thế giới bên ngoài, tiếp cận với nền văn minh của nhân loại, nhờ có sách mà xã hội mới có thể phát triển được. Cho dù xã hội có phát triển tới đâu thì những giá trị to lớn mà sách đem lại cho con người vẫn không thể nào xóa bỏ được.
Việc gìn giữ những giá trị lịch sử cho đời sau và là nguồn tri thức quý giá thì chỉ có sách mới có thể đem lại cho con người được. Tầm quan trọng của sách đối với con người thì không phải ai cũng thấu hiểu được nhưng việc gìn giữ những giá trị ấy là điều cần thiết phải làm.
2.2.2 Vai trò của sách hướng con người đến chân thiện mỹ
Sách truyền tải những nội dung nhân văn, giáo dục con người về tình cảm yêu thương lẫn nhau, về chân thiện mỹ, lối sống và đạo đức con người. Mỗi tác giả đều gửi gắm những nỗi niềm của mình vào trong cuốn sách đó và được truyền lại cho thế hệ đời sau.
2.2.3 Giúp phát triển tư duy người đọc
Mỗi người đọc sách theo suy nghĩ của bản thân sẽ nhìn nhận những nội dung trong sách theo các khía cạnh khác nhau. Tầm quan trọng của sách là việc có thể giúp cho người đọc phát huy sự sáng tạo, áp dụng những kiến thức trong sách vào ứng dụng thực tế của bản thân để xử lý trong các tình huống khác nhau.
Dù xã hội có phát triển đến đâu, các phương thức lưu giữ thông tin khác có thể phát triển nhưng việc lưu giữ sách và hiểu được tầm quan trọng của sách sẽ giúp cho xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ hơn. Đọc sách có chọn lọc và hiểu hết các giá trị trong cuốn sách đó sẽ giúp người đọc ngày càng phát triển được bản thân. Chính vì vậy, người trẻ mỗi ngày hãy cố gắng rèn luyện, giải trí bằng việc đọc sách để cuộc sống trở nên thú vị hơn.
3. Cần phải duy trì việc đọc sách
3.1. Thực trạng đọc sách trên thế giới và trong nước
3.1.1 Trên thế giới
- Thực trạng đọc sách: Đối với thế giới, nhu cầu về sách ngày càng tăng. Theo UNESCO, trên thế giới mỗi năm có khoảng 2,5 tỷ cuốn sách được ra đời. Nhật Bản là nước có số lượng sách in ra cao nhất tính theo đầu người (20 bản/người/năm), xuất bản khoảng 240 triệu bản với 540 tỷ trang in một năm. Tại Malaixia, cách đây 10 năm, mỗi người dân đã đọc trung bình 02 cuốn sách/năm; vào năm 2013, con số này đã tăng lên từ 15 đến 20 đầu sách/năm. Ở một số nước châu Âu, con số này còn lớn hơn.
- Nhu cầu và xu hướng đọc sách: Thói quen, mục đích đọc sách của bạn đọc đang thay đổi mạnh. Do đó, xu hướng chung của xuất bản thế giới ngày nay là đa dạng các loại hình xuất bản như: Xuất bản sách trực tuyến, đĩa CD, CD-ROM,... đa dạng các loại hình nghe - nhìn qua các thiết bị kỹ thuật số, qua Internet, điện thoại di động... Sách điện tử đang là đối thủ của sách in truyền thống vì những lợi thế cạnh tranh như sự tiện ích, giá thành rẻ, chi phí đầu tư thấp...
Xu hướng đọc ngày nay là đọc để làm việc, để hành nghề (đọc các loại sách cẩm nang, định hướng trong công việc, sách hướng dẫn kỹ thuật...) áp dụng trực tiếp vào công việc của mỗi cá nhân. Bởi vậy, xuất bản phẩm hiện nay rất đa dạng, nhiều kích cỡ khác nhau, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người đọc và tạo thành một xã hội học tập.
3.1.2. Ở Việt Nam
- Thực trạng đọc sách: Theo số liệu thống kê của Bộ VH, TT&DL, mỗi năm, mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách. Số sách phân bổ tại các thư viện bình quân là 0,35 bản/người. Theo khảo sát của Thư viện Quốc gia Việt Nam, bạn đọc của thư viện chỉ chiếm khoảng 8-10 % dân số. Thư viện Quốc gia chỉ có khoảng 30000 bạn đọc thường xuyên; thư viện cấp tỉnh có khoảng 1000-2000 bạn đọc, cấp huyện 500-600 bạn đọc; thư viện cấp xã khoảng 100-200 bạn đọc.
3.2. Duy trì việc đọc sách thường xuyên.
Sách rất cần cho cuộc sống. Dù hiện nay các phương tiện truyền thống phát triển mạnh mẽ và có nhiều tiện lợi, song vẫn không thế thay thế được sách, nhất là đối với các em, lứa tuổi học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Sách gắn bó với các em hàng ngày. Sách đồng hành với các em trong cả giờ học và ngoài cuộc sống. Các em muốn thành công, nhất định phải đọc sách.
Vì thế, nhân ngày sách Việt Nam 21/4 năm nay, nhà trường phát động phong trào đọc sách trong toàn thế cán bộ giáo viên và học sinh.
Nhà trường kêu gọi toàn thể cán bộ giáo viên và học sinh: HÃY ĐỌC SÁCH MỖI NGÀY.
PHÊ DUYỆT CỦA BGH NGƯỜI TUYÊN TRUYỀN
(Đã ký) (Đã ký)
Nguyễn Đình Thuý Phạm Thị Anh Vui