Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, Thư viện trường Tiểu học Nguyên Giáp xin trân trọng giới thiệu tới Thầy cô giáo, các em học sinh và các bạn độc giả xa gần cuốn sách: “Ngày trở về” do Nhiều tác giả được nhà xuất bản giáo dục ấn hành năm 2008.
Cuộc thi viết truyện ngắn về Nhà giáo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Nhà văn Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Nhà xuất bản Giáo dục đã tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác về đề tài nhà giáo và sáng tác của tác giả là những người trực tiếp đứng trên bục giảng. Qua các cuộc thi đầy ý nghĩa như vậy, nhiều tác phẩm đã ra đời đáp ứng nhu cầu của bạn đọc khắp nơi trên mọi miền đất nước như: Thơ về thầy giáo và mái trường, Tâm huyết nhà giáo. Một trong những quyển sách được nhiều độc giả đón nhận nhiệt tình trong thời gian gần đây khắc hoạ chân dung người thầy khá ấn tượng đó là Ngày trở về, xuất bản 2008.
Sách được tuyển chọn và xuất bản bởi nhóm các nhà văn có tên tuổi trong làng truyện ngắn Việt Nam: Hà Đình Cẩn, Cao Giang, Trần Đăng Khoa, Đỗ Trung Lai, Lê Hữu Tỉnh. Và cũng từ đây, nhiều tên tuổi tác giả truyện ngắn là giáo viên cũng đã và sẽ trở nên thân thiết hơn với bạn đọc như : Quế Hương, Mai Khuyên, Nguyễn Trung Hậu, Lê Tâm, Hồ Sĩ Tá, Mai Duy Quý, Huỳnh Thiên Kim Đình, Hoàng Gia Cư,...
Lật từng trang sách, chúng ta sẽ dần cảm nhận được những dòng tâm tư đầy ý, đầy tình về nghề giáo, một nghề thật lắm cam go, nhọc nhằn mà cũng chứa đựng biết bao niềm vui, kỷ niệm. Các tác giả đã thể hiện trên tác phẩm của mình những trăn trở, những hoài niệm và cả những nỗi xót xa cho một đời đi dạy. Và trên hết, chúng ta vẫn sẽ nhận ra từng nụ cười hạnh phúc lấp lánh phía sau câu chữ khi mỗi câu chuyện đi vào hồi kết.
Với 249 trang sách của hai mươi tư tác phẩm truyện ngắn, Ngày trở về đã chứng tỏ bút lực dồi dào của các tác giả. Người đọc sẽ hồi hộp trước các tiêu đề của truyện, chẳng hạn: Ngày trở về của Hoàng Gia Cư, Dự án đổi mới của Nguyễn Trung Hậu, Thầy tôi của Phan Anh Tuấn, Vết mực học trò của Hồ Sĩ Tá, Thầy cũ trường xưa của Huỳnh Thiên Kim Đình, Nghề dệt sợi thương của Quế Hương,....
Hãy thử cùng tiếp cận truyện ngắn với tên gọi được chọn làm tên sách, đó là tác phẩm Ngày trở về của tác giả Hoàng Gia Cư. Truyện bắt đầu sau bao nhiêu năm dài của cuộc chiến tranh tàn khốc, anh Lai - một chiến sĩ bị thương trong cuộc chiến sau bao nhiêu năm dài biền biệt, biệt vô âm tín, đã quyết định trở về quê hương, hành trang mang theo là chiếc ba lô sợn cũ đã bạc màu và một người vợ trẻ ở vùng ven đô Sài Gòn.Phải trở về - tiếng gọi lương tâm hối thúc mà anh đã phải day dứt không biết bao nhiêu ngày đêm. Bởi anh không thể để bố mẹ già và người vợ vừa dạm ngõ chưa kịp tổ chức hôn lễ - đó là cô giáo Trinh phải chịu đau khổ, mòn mỏi trong chờ đợi, kéo dài thêm chuỗi thời gian đắng cay vò xé.
Đó là một câu chuyện được hư cấu giữa những điều có thực với những điều không có thực. Vậy cái điều có thực đó là gì? Là anh bị trọng thương giữa trận chiến, mà oái ăm hơn cả là bom đạn của Mỹ đã cướp đi thiên chức của người đàn ông của anh, cướp mất tình yêu, hạnh phúc của anh. Vì lẽ đó anh đã cố kìm nén sự đau khổ im lặng chịu đựng. Cố tình tìm lý do để từ chối mối tình cao đẹp, thuỷ chung của Trinh, nhằm giải phóng cho Trinh được vẹn tròn trong tình yêu hạnh phúc. Mặc dù Lai biết rằng Trinh sẽ rất đau khổ. Để làm được điều này Lai đã mất nhiều công sức tạo những chi tiết không thực, đó là nhờ Vinh đóng vai là vợ mình. Tưởng chừng câu chuyện sẽ mãi là bí mật của Lai và Vinh nhưng lương tâm của cô gái trẻ không cho phép cô làm như vậy và Vinh đã viết thư kể lại mọi sự thật cho Trinh biết. Bốn năm sau, Vinh nhận được thư của Trinh, sự thật là Trinh cũng đâu có được hạnh phúc. Những giày vò kéo dài theo năm tháng vì mối tình đầu giang dở mà Trinh đã oán hận Lai đã tan biến khi cô biết được tấm lòng cao thượng của Lai. Ngay cả khi Trinh đã lấy chồng vẫn mang theo ân hận và nuối tiếc, nhưng số phận thật trớ trêu, khi con gái Trinh được bốn tuổi thì Quang - chồng Trinh lại mất do căn bệnh của di chứng chất độc màu da cam.
Khi Lai biết chuyện anh đã quyết định bỏ công việc của mình để trở về với Trinh và họ sống hạnh phúc với nhau cùng cô con gái Thuỷ Chung.
Vậy đấy, câu chuyện kết thúc nhẹ nhàng nhưng đọng lại trong lòng người đọc những dư âm thật sâu lắng về tấm lòng của một cô giáo.
Còn thật nhiều trong cuốn sách trên tay chúng ta những câu chuyện cảm động. Chuyện về tấm lòng của một người thầy đã chọn cho mình nghề đi dạy trong Nghề dệt sợi thương của Quế Hương là một tình huống truyện khá độc đáo. Như một người thợ dệt cần mẫn, người thầy đã dệt những sợi thương bền chặt, để dẫn dắt từng bước chân non dại tuổi học trò. Hoặc như với truyện ngắn Gió thổi miền xưa, tác giả Tuyết Mai đã đặc tả nỗi day dứt, trăn trở khôn nguôi khi phải xa nghề, xa mái trường và các em học sinh thân yêu, qua đó thể hiện tình nghề sâu nặng, da diết cũng sẽ làm bạn đọc nao lòng, nhất là những người từng găn bó với trường, với lớp...
Chúng ta sẽ khám phá được nhiều điều hấp dẫn từ những trang sách trên tay mình và cũng sẽ cảm nhận cuộc sống bằng cái nhìn nhân hậu, cảm nhận con người trong lung linh xúc cảm đa chiều. Sách có tác dụng giáo dục không chỉ từ nội dung mà còn ở nghệ thuật viết văn. Các em học sinh cũng sẽ tập được cách kể chuyện, miêu tả hoặc trình bày cảm xúc từ những câu chuyện của tác giả là những thầy cô giáo.
Hãy lật từng trang, bạn đọc sẽ thấy thật sự thú vị. Thư viện trường Tiểu học Nguyên Giáp xin trân trọng được giới thiệu Ngày trở về cùng các thầy cô và tất cả các em với số đăng ký cá biệt STK-00656; STK-00683 và STK-01203 !
Nguyên Giáp, ngày 03 tháng 11 năm 2022
Người giới thiệu
Phạm Thị Anh Vui