KỂ CHUYỆN ĐẠO ĐỨC BÁC HỒ
Các em học sinh thân mến!
Trong buổi giới thiệu sách hôm nay thư viện xin trân trọng giới thiệu với các em cuốn: Kể chuyện đạo đức Bác Hồ. Đây là cuốn sách của nhiều tác giả trong đó hầu hết là những chuyện do đồng chí Vũ Kỳ và Nguyễn Huy Hoan viết. Sách dày 56 trang, in trên khổ giấy 14,5 × 20,5 cm, do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm ấn hành. Bìa sách là tấm ảnh Bác Hồ đang ngồi đọc tài liệu, tấm ảnh được viền bằng hình hoa sen cách điệu gợi cho ta nhớ đến Làng Sen quê hương Bác. Toàn bìa sách là một màu vàng, nổi bật trên đó là dòng chữ Đạo đức Bác Hồ màu đỏ như là cả cuộc đời của Bác luôn sống và đấu tranh cho hoà bình, độc lập của dân tộc. Trang 3 in tấm ảnh chân dung của Bác đang giơ tay chào. Bác khoác áo dạ, tay trái cầm một cuốc sách và hộp kính, tay phải đang giơ lên chào, nét mặt Người rạng ngời niềm vui với một đôi mắt sáng, hình ảnh vị cha già dân tộc thật là đẹp phải không các em? Sách không có lời đề tựa, mà thay vào đó là bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Nhân cách và phẩm chất Hồ Chí Minh” và bài viết của Giáo sư Trần Văn Giàu “Đạo đức Hồ CHí Minh trong nhà trường ta”. Nói về Bác, Đại tướng viết “Hồ Chí Minh là một con người sống có hoài bão, có lý tưởng yêu nước thương dân sâu sắc…., có bản lĩnh kiên định..”, “ Người là một con người đặc biệt thông minh sắc sảo, nhạy bén với cái mới, ham học hỏi, có tưu duy độc lập, sáng tạo, có trí tuệ uyên bác, kiến thưcs sâu rộng; biết nhiều ngoại ngữ,…” “Ngưòi là một con ngưòi có lòng tin mãnh liệt ở nhân dân, có ý chí nghị lực phi thường, có đầu óc thực tiễn, thiết thực cụ thể, lý luận gắn liền với thực tiễn, nói đi đôi với làm.”. “Người là một con người mẫu mực về đạo đức cách mạng, tác phong bình dị, chân tình, khiêm tốn gần gũi, hoà mình với quần chúng, có sức cảm hoá lớn đối với mọi người.” “Người là một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng” Đọc bài viết này, các em sẽ hiểu hơn vì sao đảng ta lấy Chủ nghĩa Mác- Lê-nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ Nam cho hành động của toàn Đảng”. Còn trong bài viết của mình. Giáo sư Trần Văn Giàu phân tích sự cần thiết phải học tập môn Đạo đức không chỉ ở cấp Tiểu học mà cần ở cả các trường Đại học, trong đó phải chú trọng đến đạo đức Hồ Chí Minh. Đó cũng là tư tưởng của Người về vấn đề đạo đức. Hẳn các em có biết một câu nói nổi tiếng của Bác về vấn đề tài và đức. Bác đã nói “Có Tài mà không có Đức là người vô dụng, có Đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.
Nội dung chính của cuốn sách là những mẩu chuyện tiêu biểu kể về Bác trong quá trình hoạt động cách mạng của Bác. Ở đây, qua những câu chuyện ta có thể hiểu được về Bác trong các mối quan hệ với quê hương, về người mẹ kính yêu của Bác, về anh chị ruột, với bộ đội, với các cụ già, với các cháu thiếu nhi, với cán bộ… trong đó có nhiều câu chuyện các em đã biết trong chương trình học tập ở nhà trường, bên cạnh đó còn nhiều chuyện mà các em chưa biết. Vì vậy, cuốn sách này sẽ giúp các em hiểu hơn về một con người vĩ đại, một Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới: Hồ Chí Minh.
Tại sao Bác Hồ được nhiều người kính mến? Trước hết bởi tính giản dị của Bác. Khi đã là Chủ tịch nước, người vẫn ở trong một ngôi nhà sàn đơn sơ như khi còn ở Chiến khu Việt Bắc, vẫn đi đôi dép lốp, bộ quần áo ka ki đã sờn, chiếc quạt là cọ, ăn bữa cơm thanh đạm đậm đà mùi vị quê hương. Đó là bài học lớn cho mọi thế hệ về đạo đức “Càn, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Bác chính là một tấm gương về sự giản dị và tiết kiệm cho cán bộ và nhân dân ta. Các em sẽ biết điều này trong câu chuyện Bác là như thế.
Khi sướng cũng như khi khổ, Bác luôn nhớ đến những người đã cùng làm việc với mình. Các em sẽ được biết quan câu chuyện “Sướng khổ có nhau, nghĩa tình trọn vẹn”. Chuyện kể về Tết năm 1955, Bác đến ăn Tết cùng một đơn vị bộ đội cảnh vệ, đơn vị đã từng bảo vệ Bác thời kì ở chiến khu Việt Bắc.
Trong cuốn sách này, các em sẽ được biết về tình cảm gia đình của Bác qua các câu chuyện. Câu chuyện “Có một bức ảnh” kể về các chú bộ đội miền Nam đã chụp bức ảnh mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc, người cha của Bác. Bác đã luôn giữ tấm ảnh ấy đến cuối đời, Bác đã để tấm ảnh đó ở ngăn cao nhất trong giá sách, ngay nơi Bác làm việc, được cất cẩn thận trong một hộp gỗ khảm đựng thiếp in hoa của khách nước ngoài gửi tặng Bác. “Nghĩ về mẹ” là câu chuyện cảm động về việc học hành. Nhìn các em nhỏ vui đến trường, Bác thương mẹ không được đến trường mặc dù là con của một thầy giáo.
Khi gặp lại người chị của mình, Bác đã “… nhìn chị mà bồi hồi, xúc động, nước mắt cứ trào ra… Khi chia tay, Bác còn cố níu lại không muốn rời xa.” Khi nhận được tin anh trai từ trần, vì hoàn cảnh đất nước chiến tranh, công việc nước nhà bận trăm công ngàn việc, Bác không về được. bác đã điẹn về quê “Nghe tin anh cả mất, lòng tôi rất buốn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu, tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Than ôi! Tôi chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyện lượng cho một ngưòi con đã hi sinh tình nhà vì phải lo việc nứơc”.
Bác là người biết nhiều ngoại ngữ. Vậy Bác đã học ngoại ngữ như thế nào? Hồi tren tàu của Đô đốc La-tút-sơ Tơ-rê-vin, mỗi ngày Bác phải làm việc từ 4 giờ sáng đên 9 giờ tối, nhưng Bác vẫn có học thêm hai giờ nữa, Bác hỏi những người Pháp, Bác viết mỗi ngày 10 từ lên cánh tay để vừa làm việc vừa nhẩm học. Khi ở Luân- đôn, Bác học Tiếng Anh. Mỗi sáng sớm và buổi chiều Bác mang sách ra vườn hoa tự học. Mỗi tuần đến học một buổi với một giáo sư người Ý. Có thể nói Bác tự học là chủ yếu, học ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh và không bỏ phí thời gian.
Có thể nói, Bác dành tình cảm đặc biệt đến các em thiếu nhi. Ngay cả chỗ ở của mình, Bác cũng nghĩ đến các cháu thiếu nhi, Bác cho đặt những ghế dài, xây bể cá cảnh, Bác luôn để dành kẹo cho các cháu khi đến thăm Bác, Bác thường đến thăm các cháu thiếu nhi vào dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Bác viết thư cho các cháu trong ngày khai giảng năm học mới đầu tiên độc lập…
Còn nhiều, nhiều nữa những câu chuyện cảm động về Bác. Mong rằng, sau buổi này các em sẽ tìm đọc cuốn sách này để hiểu hơn về Bác, một con người vĩ đại.
Cuối cùng xin chúc các em học giỏi, cố gắng sắp xếp thời gian để đọc được nhiều sách. Hẹn gặp lại các em trong buổi giới thiệu sách lần sau.